Theo quan niệm truyền thống, “tứ đức” của người phụ nữ gồm: Công - dung - ngôn - hạnh. Đây vừa là cái đích hướng đến, vừa là thước đo, tiêu chí để khẳng định giá trị của người phụ nữ.
Trong quan niệm xưa, công là sự khéo léo của người phụ nữ trong việc chăm lo cho hạnh phúc gia đình, nữ công gia chánh và nuôi dạy con cái.
Dung không đơn thuần chỉ là diện mạo, hình thức bên ngoài mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn.
Ngôn trong “tứ đức” là lời nói có duyên, dịu dàng - một trong những thế mạnh đặc trưng của phái nữ. Người nói năng đúng mực, nhỏ nhẹ, lễ độ thể hiện là con nhà gia giáo.
Hạnh là sự thể hiện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ: vị tha, độ lượng, nhân ái, yêu chồng, thương con.
Trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, “tứ dức”: Công - dung - ngôn - hạnh đã làm nên nét bản sắc của người phụ nữ Việt Nam.
Trong những hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt, đất nước có họa xâm lăng, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ lại được phát huy.
Tám chữ vàng mà Bác Hồ đề tặng: anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang đã phần nào khái quát được diện mạo, cốt cách của người phụ nữ Việt Nam một thời.
Ngày nay, trong thước đo giá trị của người phụ nữ hiện đại, công - dung - ngôn - hạnh cũng cần bổ sung một số điểm mới cho phù hợp.
Theo đó, chữ công được hiểu rộng ra, người phụ nữ không chỉ cần khéo léo nội trợ, nữ công gia chánh, bó hẹp trong không gian gia đình mà còn phải biết “đối nội, đối ngoại”, thông minh, nhanh nhạy, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để có thể vừa “giỏi việc nước” vừa “đảm việc nhà”.
Với chữ dung, tuy thời thế có thay đổi nhưng vẻ đẹp toàn vẹn của người phụ nữ luôn cần có sự kết hợp giữa hình thức bên ngoài và tâm hồn bên trong. Vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ hiện đại thiên về sự khỏe khoắn. Chất nữ tính toát lên trong cách ăn mặc, trang điểm phù hợp với đặc thù công việc tạo phong thái cởi mở, tự tin, dễ hòa đồng cho người phụ nữ.
Quan niệm về chữ ngôn của người phụ nữ thời nay cũng cần có sự kế thừa, phát triển để phù hợp với nhu cầu giao lưu, tiếp xúc, thể hiện mình của người phụ nữ. Cách nói năng lịch thiệp, lối xã giao khéo léo, ứng xử thông minh trong mọi tình huống cũng thể hiện “phông” văn hóa và vốn học thức của người phụ nữ.
Trong chữ hạnh, bên cạnh việc cần thiết phải giữ nguyên những phẩm chất truyền thống như: nhân ái, chung thủy, yêu chồng, thương con… người phụ nữ hiện nay còn phải là một công dân tốt, biết ước mơ, hoài bão, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Điều đáng tiếc là những nét đẹp cần trân trọng, giữ gìn của người phụ nữ Việt Nam đang bị mai một, biến tướng bởi lối sống “sành điệu” của một bộ phận phái nữ, đặc biệt là giới trẻ.
Mặc dầu nữ công gia chánh là chức năng số một của người phụ nữ trong gia đình nhưng đáng buồn là một số phụ nữ hiện nay lại không mấy mặn mà với công việc nội trợ trong gia đình.
Một số phụ nữ trẻ không hát nổi một bài hát ru con, không biết nấu những món ăn truyền thống dân tộc. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thiên chức làm vợ và công việc nuôi dạy con cái.
Một bộ phận phụ nữ ngày nay chỉ đề cao vẻ đẹp ngoại hình, bề ngoài, chỉ thích phấn son, chưng diện, quan niệm về trang phục trở nên “cởi mở” thái quá.
Việc trau dồi ngôn ngữ, cách nói năng là điều cần thiết nhưng không phải người phụ nữ nào cũng chú trọng điều này. Thay vì cách nói năng nhỏ nhẹ, đúng mực, từ tốn, tinh tế, một số phụ nữ thời nay lại có lối ăn nói cộc lốc, đanh đá, nghe rất chướng tai.
Lối sống thích hưởng thụ, dễ dãi buông thả cũng khiến cho chữ “hạnh” của một bộ phận phụ nữ hiện nay ít nhiều bị sứt mẻ.
Trong thời đại ngày nay, “tứ đức” của người phụ nữ vẫn cần được trân trọng, giữ gìn bởi sự kết hợp của công - dung - ngôn - hạnh đã và sẽ tạo nên dấu ấn, nét đặc trưng riêng của người phụ nữ Việt Nam.
Để phù hợp với hoàn cảnh mới, “tứ đức” có thể được bổ sung thêm những điểm mới. Nhưng sự bổ sung, phát triển ấy cần dựa trên nền tảng của những giá trị truyền thống tốt đẹp.
Những biểu hiện lệch lạc trong lối sống xa rời những chuẩn mực truyền thống tốt đẹp của một bộ phận phụ nữ hiện nay cần được uốn nắn, điều chỉnh từ phía gia đình và các tổ chức đoàn thể xã hội. Điều này càng hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập hiện nay.